Hồ T’nưng – Mênh mông biển hồ trên miệng núi lửa
Pleiku đẹp lắm! Phố núi cao nguyên hút hồn du khách với khí trời se lạnh ban sáng. Với hương cà phê ngào ngạt đắm say. Đôi mắt Pleiku như níu chân du khách khi qua đây. Nếu ai chưa biết thì đôi mắt ấy chính là biển hồ T’Nưng này.
Đến Pleiku nghe “hồ trên núi”, thật lạ! Trên núi cao cũng có hồ. Thực chất hồ T’Nưng là một hồ nước ngọt tự nhiên được hình thành trên miệng núi lửa đã ngưng phun trào từ trăm triệu năm qua. Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 7km theo hướng tây bắc.
Cũng như bao địa danh khác ở Tây Nguyên, Hồ T’Nưng cũng được gắn liền với một truyền thuyết có phần bi thương. Truyền thuyết kể rằng, lúc ấy đây là nơi sinh sống của một bộ lạc sầm uất. Cả dân làng đều sống vui vẻ sung túc với tiếng chiêng, tiếng trống rộn vang khắp núi rừng.
Bỗng một năm trời hạn, trâu bò chết hàng loạt. Dân làng cho rằng đây là điềm dữ, Giàng nổi giận và không còn che chở cho buôn làng. Vì vậy buôn làng bèn sai trai tráng vào rừng săn nai cúng Giàng. Cứ ngỡ rằng Giàng đã nguôi cơn giận, cả dân làng lại tiếp tục vui ca. Bỗng dưng trời đất tối sầm, mặt đất rung chuyển. Cả làng bị sụp xuống hố sâu và nước dâng lên nhấn chìm tất cả, không một ai sống sót. Chỉ có đôi vợ chồng Mạc Mây đi vắng khỏi buôn. Khi trở về không thấy buôn đâu, chỉ thấy một hồ nước rộng lớn. Bèn đi báo với các buôn lân cận và tưởng nhớ về đồng bào đã khuất. Người Gia Rai mãi sau này vẫn còn nhắc đến hồ T’Nưng với truyền thuyết đau buồn ấy.
Cung đường vào hồ T’Nưng rất lãng mạn. Hai bên cung đường uốn lượn quanh co là những rừng thông xanh mướt. Chưa kịp nghe mùi gió hồ đã ngửi thấy thơm ngát mùi nhựa thông.
Người ta gọi hồ T’Nưng là “Biển Hồ” vì hồ rộng bao la. Lâu lâu khi cơn gió thoảng qua, mặt hồ gợn những đợt sóng mạnh mẽ như biển. Người ta gọi “Biển Hồ” là vì vậy.
Đến đây, ngoài ngắm cảnh từ trên cao, du khách có thể thuê một chiếc thuyền máy dạo chơi nhìn ngắm khắp hồ. Ngắm những người dân ở đây thỏa mình đánh bắt tôm cá do thiên nhiên ưu ái ban tặng.
Là hồ nước ngọt tự nhiên, hồ T’Nưng là một vựa cá lớn ở vùng đất Tây Nguyên này. Hồ là thủy sản lớn với nguồn cá chép, cá chình…hay rùa, ba ba…
Cây cối xung quanh hồ còn là nơi sinh sống của những loài động vật quý hiếm: chim Kơ Túc, Kơ Vông…le le, ngỗng trời…
Quang cảnh trên hồ càng đẹp khi chiều về. Nhất là những đêm trăng sáng soi bóng xuống mặt hồ. Gió thổi liu riu, tán cây xào xạc. Giữa khung cảnh ấy, chèo thuyền ngắm trăng thưởng ngoạn. Chao ôi, người ít khi biểu lộ cảm xúc cũng có khi tức cảnh mà sinh tình.
Đến Pleiku du ngoạn Biển Hồ để đắm chìm trong “đôi mắt” ấy. Biển Hồ T’Nưng còn nét hoang sơ của núi rừng. Còn dễ thu phục lòng người bởi vẻ đẹp chân phương. Đến mà nghe chim Kơ Tia hót, đến mà nghe sóng vỗ trên sông. Đến mà đê mê trong “đôi mắt” của người Gia Rai nơi này.
“Em đẹp lắm, Pleiku ơi”.